TOÀN NĂNG GIA LAI

Cách bố trí phòng thờ trong nhà phố

Cách bố trí phòng thờ trong nhà phố

Từ xưa đến nay chỗ thờ cúng rất quan trọng đối với người Việt Nam, nghĩ thờ phụng tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không có tính chất tôn giáo. Ngày nay nhà ngang, sân gạch không còn nhiều nữa, nhà hiện nay được làm theo kiểu phương Tây thì cũng nên chú ý đến nơi chốn đặt bàn thờ gia tiên. Tùy hoàn cảnh sinh hoạt của gia đình mà chọn chỗ đặt tủ thờ cho thích hợp. Nhiều gia đình Việt cũng quyết định đặt tại phòng khách chứ không đặt trên lầu cao. Đặt trên lầu cao bất tiện cho ông bà đi lại hương khói mỗi dịp lễ, tết.

Ngoài ra đặt trên lầu cao thì con cháu ít tiếp xúc nên không hiểu rõ ý nghĩa, khó trong việc giáo dục truyền thống gia đình. Nên muốn khi có dịp lễ, tết, con cháu trong nhà đoàn tụ trong một không gian đầm ấm, tưởng nhớ về ông bà, bố mẹ đã khuất thì việc đặt tủ thờ tại phòng khách, như không gian phòng sinh hoạt chung cũng rất hay. Để có được không gian riêng tư, khi thiết kế nên tách biệt khu thờ phụng một chút nhằm tạo không gian đệm, riêng tư giữa khu bàn tiếp khách và khu đặt tủ thờ.

Trong các ngôi nhà truyền thống ngày xưa, nhà ba hoặc năm gian, phòng thờ vẫn thường là không gian nằm giữa phòng tiếp khách và chỗ ngồi ăn. Không gian này không tách biệt với không gian sinh hoạt chung của cả gia đình. Các ngôi nhà hiện nay, cùng với nhiều kiểu nhà phố mới 2, 3 tầng hay nhiều tầng, phòng thờ được tách biệt với không gian sinh hoạt chung của gia đình. Cách thiết kế này cũng có nhiều ưu điểm: mang lại không gian yên tĩnh, sang trọng, việc thắp hương ngoài trời,  đốt vàng mã trên sân thượng trong các dịp lễ tết cũng rất thuận lợi.


Tuy nhiên, tùy vào điều kiện từng gia đình, bạn không nhất thiết phải bố trí phòng thờ trên tầng cao nhất. Gia chủ có thể bố trí nơi thắp hương ở tầng một, trong phòng khách (nếu nhà chật) hoặc ở một phòng bên cạnh. Nhờ vậy, người cao tuổi trong nhà có thể dễ dàng thắp hương khói, người trẻ thường xuyên qua lại giúp phòng không bị lạnh lẽo. Thiết nghĩ bố trí phòng thờ ở đâu còn tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi người, cái quan trọng nhất là lòng thành tâm của mỗi người với tố tiên.

Bàn thờ là nơi linh thiêng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Chính vì vậy việc đặt bàn thờ cần phải suy xét cực kỳ cẩn thận và có một số kiêng kỵ nhất định phải tuân theo để tránh những vận xấu không đáng có.

Vài điều kiêng kỵ khi đặt bàn thờ ở nhà phố

Không đặt bàn thờ dưới phòng vệ sinh lầu trên, không đặt tủ thờ tại nơi ồn ào (ví dụ như trong phòng ăn), không đặt tủ thờ tại vách nhà vệ sinh.

Bàn thờ không để xung với cửa, nếu bàn thờ xung với cửa hoặc đường cái có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tài vận của gia đình. Vì vậy, nếu bàn thờ xung với cửa, dù là cửa phòng, cửa chính, cửa bếp, cửa nhà vệ sinh hay đường thì cần đặt tấm bình phong để che chắn.

Hướng của bàn thờ không được ngược lại với hướng của nhà. Nếu như hướng của bàn thờ ngược với hướng của nhà sẽ khiến cho gia đình không hòa thuận. Vì vậy, phải đặt lại vị trí bàn thờ để hóa giải.


Bàn thờ không được đặt dưới xà ngang. Nếu xà ngang trên trần nhà ở ngay trên bàn thờ, sẽ sản sinh ra sát khí áp lực. Do đó, cần đặt bàn thờ ở nơi khác hoặc bỏ xà ngang.

Bàn thờ đại kỵ đặt ở lối đi. Bàn thờ đại kỵ đặt trên nóc tủ.

Không được nằm cạnh hoặc dưới WC, bếp tầng 2. Nếu trên tầng là phòng ngủ thì giường và bàn thờ kê lệch vị trí.

Phòng cần có cửa sổ mở ra giếng trời hoặc sân để có sự thông thoáng, hương khói không bị tụ lại.  Bàn thờ nên đặt ở nơi kín gió, tránh xa cửa sổ để không động bát hương.

Không đặt bàn thờ đối diện cửa ra vào, khiến gió lùa và người đứng thắp hương có tâm lý bất an, khó tập trung khi khấn vái.

Phòng nên thiết kế tối giản, có thể bố trí một bộ bàn ghế để ngồi. Nội thất gỗ tông màu trầm, tranh ảnh trang trọng. Chủ nhà thường xuyên dọn phòng gọn gàng, sạch sẽ.
www.tuonggodep.com. Được tạo bởi Blogger.